Friday, February 19, 2010

Hàn the công và tội

Hàn the công và tội
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đảm bảo niềm vui trọn vẹn của mọi nhà trong dịp Tết. Do mức tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn gia tăng trong ngày Tết, rất nhiều bạn đọc lo lắng về thực trạng sử dụng chất phụ gia thực phẩm trong đó có hàn the. Bài viết này sẽ trình bày về công dụng và tác hại của hàn the.



Bản chất hóa học của hàn the

Hàn the là muối borat natri có công thức hóa học Na2- [B4O5(OH)4]·8H2O. Hàn the thường tồn tại ở dạng tinh thể trong suốt hoặc bột mầu trắng, không mùi, vị ngọt và hơi cay, hòa tan rất tốt trong nước.

Trong hàn the có natri (Na) và bo (B, boron). Bo là một nguyên tố đứng thứ 5 trong bảng tuần hoàn Mendeleev, có trọng lượng 10.8, có đặc tính hóa học của cả kim loại và á kim. Trong tự nhiên, bo thường tồn tại dưới dạng muối với natri và canxi. Bo có ở trong đất với hàm lượng từ 0,1 tới 3 mg/kg đất. Nước sông, hồ, giếng khoan thường có hàm lượng bo dưới 1 mg/lít. Trong không khí cũng có một lượng nhỏ nguyên tố bo do ô nhiễm bụi công nghiệp hoặc do nguyên tố này bốc hơi cùng nước biển, sông và hồ. Với một lượng nhỏ, bo cần cho sự phát triển bình thường của động và thực vật, tuy nhiên quá nhiều bo lại gây hại cho động thực vật. Natri cũng là nguyên tố hoá học cần thiết cho sự phát triển bình thường của mọi sinh vật. Tuy nhiên khẩu phần ăn có nhiều natri kéo dài thường dẫn tới bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, xuất huyết não, một số loại ung thư đường tiêu hóa.

Hàn the có những công trạng gì?

Hàn the được sử dụng rất rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dược phẩm, và thực phẩm, nghiên cứu khoa học, cũng như cuộc sống hàng ngày.

Trong sản xuất công nghiệp, borat natri được sử dụng trong công nghệ luyện kim, chế tác vàng bạc. Bột borat natri được dùng để đánh bóng bề mặt kim loại, sản xuất men sứ, kính chống nấm, một số vật liệu chịu nhiệt, xà phòng giặt và một số loại chất tẩy rửa.

Trong sản xuất nông nghiệp, với một lượng nhỏ, nguyên tố bo thúc đẩy quá trình phát triển của cây trồng, nhất là quá trình ra hoa, kết quả, đâm chồi, và phát triển rễ cây. Tuy nhiên, cây trồng trên những vùng đất có nhiều borat natri thường lại bị còi cọc, giảm năng suất, và chóng thoái hóa. Động vật cũng chỉ cần một lượng rất nhỏ nguyên tố bo.

Trong các phòng thí nghiệm, borat natri được dùng làm chất đệm trong phân tích gen (ADN), phân tích sắc phổ, hoặc tạo dung dịch nhũ tương nhằm hòa tan các chất hóa học khác trong nước.

Trong y tế, borat được sử dụng để sản xuất một số dung dịch diệt khuẩn ngoài da hoặc ở niêm mạc, thuốc tẩy uế, và hoá chất diệt côn trùng (kiến, bọ chét, gián).

Những tội tày đình của hàn the

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những biến đổi đáng lo ngại liên quan tới sử dụng hàn the trên động vật thí nghiệm. Phần lớn muối borat natri (hàn the) trong thực phẩm được hấp thu rất nhanh, tích lũy trong xương, tuyến lách, tuyến giáp trạng và đào thải qua nước tiểu. Lượng đào thải thường thấp hơn lượng hấp thu dẫn tới tình trạng tăng lắng đọng của chất này trong cơ thể, nhất là khi có biểu hiện suy thận. Thí nghiệm trên chuột, chó, và thỏ đều cho thấy sử dụng borat natri liều cao gây teo nhỏ tinh hoàn, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở con đực, gây nhiễm độc thai nghén và đẻ non ở con cái, giảm cân nặng sơ sinh và dị dạng bào thai (bao gồm rối loạn phát triển xương, tinh thần và thay đổi cấu trúc hệ tim mạch).

Do cơ chế hấp thu, vận chuyển, dự trữ, và đào thải borat natri ở người và động vật là hoàn toàn giống nhau, borat natri cũng có thể gây những hậu quả tương tự ở người. Chính vì lý do kể trên, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã cấm sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm.

Người tiêu dùng sáng suốt


Kiểm tra hàn the trong giò, chả.
Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định cấm sử dụng hàn the và đưa ra danh mục chất phụ gia thay thế từ nhiều năm nay, việc sử dụng hàn the trong sản xuất và chế biến thực phẩm ở Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát được, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương vẫn cố tình dùng hàn the trong sản xuất giò, chả, nem chạo, bánh phở, bún, bánh đúc, bánh cuốn... nhằm tăng độ giòn, dai và cũng giúp bảo quản thực phẩm được lâu trong điều kiện môi trường nóng ẩm của Việt Nam. Giải pháp can thiệp đồng bộ là cần thiết để giảm thiểu việc sử dụng hàn the trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Như chúng ta đã biết, các chất phụ gia thực phẩm thường là các chất hóa học. Vì vậy, dù nằm trong danh mục cho phép, sử dụng nhiều cũng có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ trước mắt hoặc lâu dài. Chính vì vậy, cần khuyến khích sử dụng những biện pháp bảo quản thực phẩm không dùng hóa chất như sử dụng tủ lạnh, hộp đá, và đun nóng. Việc bảo quản thực phẩm bằng muối là tương đối an toàn, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng muối, vì ăn quá nhiều muối cũng không tốt cho sức khỏe. Phương pháp bảo quản bằng nitrit, xông khói... cũng thường gây biến tính thực phẩm và cũng có thể gây ung thư đường tiêu hóa.

Người tiêu dùng cũng cần sáng suốt lựa chọn loại thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình mình. Cũng nên có thói quen đọc nhãn mác hàng hóa, trao đổi với người bán hàng về nguồn gốc và xuất xứ của thực phẩm, mua hàng ở những cửa hàng quen và có tín nhiệm. Tăng cường ăn thực phẩm tươi sống, giảm ăn thực phẩm đã chế biến sẵn.

http://www.thuocbietduoc.com.vn/home/newdt3815tt1ev4.aspx

2 comments: